Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

Phải để dân tin cách giải quyết khiếu kiện từ cấp cơ sở

Hầu hết các đại biểu đều thống nhất rằng, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng khiếu kiện vượt cấp tăng cao là từ “yếu tố con người”, cả phía chính quyền các cấp giải quyết, lẫn phía người dân đi khiếu nại, tố cáo. Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hoá) nhận định, một bộ phận cán bộ công chức ngay từ cấp cơ sở đã nhận định không đúng trước việc khiếu nại, tố cáo của dân. Cán bộ trực tiếp giải quyết khiếu kiện chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Luật khiếu nại tố cáo. Nhiều người ngại tiếp xúc, đối thoại với dân, thậm chí cố tình lẩn tránh trách nhiệm. “Có người đã thốt lên rằng, chúng tôi ra trung ương, muốn gặp các vị lãnh đạo cấp cao không khó lắm, nhưng về địa phương tìm gặp được chủ tịch còn khó hơn lên trời bắt sao. Thậm chí có cán bộ công chức tiếp dân còn doạ dẫm, thách đố người khiếu kiện…”, đại biểu Cuông nói. Cùng ý kiến trên, đại biểu Lê Thị Nga (Thanh Hoá) còn đưa ra con số “41% đơn thư khiếu tố có nội dung đúng và 23% đúng một phần”, chứng tỏ cán bộ làm sai, ra quyết định sai. Tuy nhiên: “Cán bộ ra quyết định sai đó lại không bị xử lý, thậm chí còn được cất nhắc”. Do đó, các đại biểu đề xuất phải làm rõ hơn trách nhiệm của chính quyền các cấp (đặc biệt là cấp cơ sở). Đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn nhấn mạnh: “Cấp nào giải quyết làm phát sinh ra khiếu nại, tố cáo thì cấp đó phải chịu trách nhiệm giải quyết. Cấp dưới làm sai thì cấp trên phải trực tiếp giải quyết, và có một chế tài cho những người đùn đẩy trách nhiệm, giải quyết sai gây hậu quả nghiêm trọng”. Về phía người đi khiếu kiện, nhiều đại biểu cho rằng nhận thức và thái độ của một bộ phận người dân chưa đúng. Nhiều người nhận thức về pháp luật còn hạn chế, một số do tâm lý muốn giành phần thắng, thiếu tin tưởng vào việc giải quyết của cơ quan hành chính cấp dưới nên đã cố tình đeo đuổi khiếu kiện. “Một số người đến phòng tiếp dân nói câu rất sóc óc, tố cáo nói xấu cán bộ trước đám đông…”, đại biểu Cuông nói. Đại biểu Nguyễn Thạc Nhượng (Bắc Ninh) đưa ra yêu cầu phải “có những chế tài để xử phạt những trường hợp cố tình đeo bám, gây mất trật tự, lợi dụng khiếu nại để cầu may, có lợi thì chuyển sang vu cáo cán bộ công chức, có hành vi gây rối làm cho tình hình phức tạp và mất trật tự ở địa phương”. Các đại biểu cũng nhất trí rằng cơ chế chính sách của Nhà nước hiện chưa đồng bộ, các văn bản quy phạm pháp luật chưa hoàn chỉnh, nội dung thiếu nhất quán, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Đại biểu Võ Minh Phương (Lâm Đồng) đánh giá: “Chính sách luật pháp trong quá trình phát triển có ban hành mới, có sửa đổi, bổ sung nhưng chưa nhất quán, chưa sát với thực tế cuộc sống hoặc là chậm đi vào cuộc sống. Như chính sách đền bù giải toả, giá đất theo các nghị định Nghị định 90 trước đây, hiện nay thêm Nghị định 22 và sắp tới Chính phủ ban hành nghị định khác về giá đất cũng là một cất cập trong xem xét giá đất. Đó là nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo gia tăng và kéo dài”. Đa số ý kiến tán thành phải sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật chưa hoàn chỉnh, thiếu nhất quán trong lĩnh vực đất đai, chế độ chính sách đối với người có công để đảm bảo sự thống nhất, công bằng tránh thiệt thòi cho dân. Theo kế hoạch làm việc, sáng thứ hai (24/5), Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo. Anh Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét